Hoạt động Đội_quân_tóc_dài

Cuộc nổi dậy của Đội quân tóc dài Bến Tre đã liên tục giành thắng lợi và phong trào Đồng khởi ngày càng lan rộng. Trung ương cục miền Nam đã đánh giá thắng lợi to lớn của phong trào Đồng khởi của tỉnh Bến Tre và coi đó là hình thức khởi nghĩa tiêu biểu ở vùng nông thôn, đồng bằng với 2 phương châm (chính trị, quân sự), tấn công địch bằng 3 mũi giáp công (chính trị, vũ trang, binh vận), còn gọi là "đường lối đấu tranh 2 chân 3 mũi", đặc biệt là sự xuất hiện của Đội quân tóc dài tấn công trực diện vào cơ quan đầu não của chính quyền địa phương. Từ thắng lợi này, khắp đồng bằng miền Nam và các tỉnh miền Trung đến Tây Nguyên, người dân nổi dậy thành phong trào Đồng khởi của toàn miền Nam với khí thế lớn.[2][3]

Tổng kết phong trào Đồng khởi năm 1960, đã có khoảng 9 triệu lượt quần chúng nổi dậy, gần 1 triệu lượt phụ nữ đấu tranh trực diện kết hợp với lực lượng vũ trang góp phần làm tan rã trên 2 vạn binh lính Việt Nam Cộng hòa, phá kìm kẹp 895 xã trên tổng số 1.193 xã ở miền Nam Việt Nam.[2]

Nội dung và hình thức đấu tranh cũng như việc tổ chức đội ngũ của Đội quân tóc dài luôn luôn thay đổi, biến hóa linh hoạt và sáng tạo để thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể. Cách thức hoạt động của họ chưa được ghi trong một "binh thư" nào từ trước đến nay.[3] Ngoài các cuộc đấu tranh trực diện, các Đội quân tóc dài còn tổ chức các cuộc bãi thị, đình công, vận động quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa bỏ ngũ, góp phần gây tiêu hao sinh lực họ.[4]

Đội quân tóc dài đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm 3 mũi giáp công: Chính trị, binh vận, và vũ trang để tấn công Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Tuy vậy, một phụ nữ cũng có thể đấu tranh được 3 mũi: Vừa trực diện đấu lý, vừa khéo léo tranh thủ quân đội, và tự mình thừa thời cơ diệt Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Lúc đấu tranh tại chỗ thì cố gắng bám trụ "một tấc không đi, một li không rời", khi đấu tranh tập trung thì liên tục tấn công vào sơ hở của đối phương để giành thắng lợi, lúc kết hợp vũ trang thì mưu trí sáng tạo và cơ động; hình thức đấu tranh thì sáng tạo, đa dạng và phong phú. Tổ chức lực lượng đấu tranh của Đội quân tóc dài ngày càng quy củ và linh hoạt: Có lực lượng xung kích và chủ công; có hợp đồng lực lượng nhiều địa phương, có tiếp tế, có hậu cần tải thương, khi bị đàn áp thì có thay quân và bổ sung cần thiết.[2][3][5]

Trong quá trình hoạt động và chiến đấu, Đội quân tóc dài luôn phải đối diện với tù đày, tra tấn, xử tử, thủ tiêu, nhà cửa bị phá, bị Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đàn áp và gây nhiều tội ác chiến tranh, trong đó có các hành động cưỡng hiếp, mổ bụng như trường hợp năm 1967 nữ hộ sinh Ba Vân, người Long An, bị cưỡng hiếp, bị mổ bụng gần chùa Phật Đá, xã Hưng Thạnh, Mỹ Tho, moi ruột gan như trường hợp của bác sĩ sản khoa Lê Thị Lệ Chi ở Bình Minh.[3][4][6][7]

Tại các đô thị, lực lượng đấu tranh của Đội quân tóc dài bao gồm các tầng lớp phụ nữ như công nhân, tiểu thương, nữ tu, Phật tử, giáo chức, trí thức..., Lực lượng phụ nữ đô thị đã phối hợp nhịp nhàng với lực lượng phụ nữ vùng nông thôn, vùng ven, các tỉnh Tây Nguyên và phối hợp chặt chẽ với chiến trường.[2]